Hiện nay vấn đề làm thêm sau giờ học không còn xa lạ trong giới
sinh viên. Nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi sinh viên tỉnh lẻ ra thành
phố học. Nghề nghiệp mà phần đông sinh viên ưa chuộng và dễ kiếm nhất là làm
gia sư cho học sinh phổ thông...
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng đi làm gia sư giống như
bao sinh viên khác. Mục đích hàng đầu của tôi không phải là để có thêm thu
nhập hàng tháng như một số người. Tôi đi dạy là để có những kinh nghiệm đứng
lớp cho nghề nghiệp tương lai, để hiểu thêm tâm sinh lý các em, để chủ động
đối phó trước những tình huống phức tạp trong cuộc sống. Gia sư thì nhiều,
học sinh thì chỉ một phần nhỏ, dạy thế nào để có chất lượng là vấn đề
không hề đơn giản, là mối quan tâm trăn trở của cả phụ huynh học sinh lẫn gia
sư. Tìm hiểu tâm lý học sinh Điều quan trọng đầu tiên là bạn
phải nắm được tính tình học sinh của mình để có thể linh động áp dụng những
cách dạy khác nhau cho phù hợp. Qua một số buổi dạy đầu, bạn nên dành thời
gian hỏi nhiều về sở thích của em để nắm bắt được tính cách và gây thiện
cảm cho học sinh. Với học sinh nào thì nhẹ nhàng, với học sinh nào thì nghiêm
khắc là cả một nghệ thuật mà nếu không để ý rất dễ bị mất việc. Nhiều phụ
huynh thường quan niệm rằng gia sư càng nghiêm khắc càng tốt, nên họ đòi hỏi
gia sư phải làm thế nào để cho con em họ "sợ" mới là gia sư có uy
tín, tôi không muốn học sinh của mình bị ức chế trong giờ học chỉ vì cô giáo
quá nghiêm khắc. Hãy tạo một bầu không khí thật thoải mái để học sinh có hứng
thú học môn của bạn. Tôi hay tâm sự với học sinh của tôi để có thể xoá bỏ khoảng
cách giữa cô và trò, để học sinh coi tôi là người bạn đáng tin cậy để có thể hỏi
han và nhờ tư vấn giúp. Rõ ràng nếu không tìm hiểu tính cách của học
sinh bạn sẽ rất băn khoăn trong việc lựa chọn phương pháp dạy. Với học sinh
thông minh và có phần ngang bướng, nghiêm khắc chỉ đem kết quả ngược
lại. Có phương pháp dạy riêng Để giữ được chữ tín với phụ
huynh học sinh, bạn phải làm thế nào để cho học sinh thích thú với cách dạy
của bạn. Rõ ràng người thuê bạn là phụ huynh nhưng bạn dạy tốt hay không, bạn
có trụ lại được lâu hay không lại là do học sinh có thích cách dạy của bạn
hay không. Vì vậy bạn phải có phương pháp dạy học riêng. Một trong những kinh
nghiệm của tôi là không bao giờ dạy trước chương trình cho các em. Bạn đừng
chủ quan nghĩ rằng bạn có thể giỏi hơn các thầy cô giáo của chúng ở trường.
So với họ, bạn chắc chắn không thể ngang bằng về tuổi tác, kỹ năng sư phạm,
sự từng trải trong cuộc sống... Thường thường các em rất hứng thú với phương
pháp dạy học này của tôi. Điều này không chỉ giúp các em có thêm động lực trong việc học tập mà
còn rèn cho các em có kỹ năng tự tìm tòi kiến thức. Với
từng học sinh, nên áp dụng thật linh hoạt những kỹ năng dạy, như thế bạn sẽ
luôn làm chủ được các tình huống. Tạo tính tự lập cho các em Đây là vấn đề mà rất nhiều gia
sư không để ý đến. Ngày nay không thiếu các gia sư có kiểu làm hộ học sinh
của mình để lấy điểm cao mà (cố tình) không nghĩ rằng như thế là đang
làm hại các em. Hiện nay các gia đình thuê gia sư về nhà dạy cho con mình đều
là những gia đình khá giả . Các em thường không phải làm bất cứ việc gì vì đã có người ở
làm giúp. Chính vì thế nên dần dần các em quen ỷ lại vào người khác. Rõ ràng, làm gia sư không dễ như
một số sinh viên lầm tưởng. Các bạn cũng đừng nghĩ rằng chỉ cần dạy để các em
có điểm cao, có thành tích tốt vì những cái ấy chỉ là một phần nhỏ động viên
các em. Điều quan trọng là giúp các em trau dồi kiến thức thật sự. Một gia sư
có trách nhiệm là gia sư biết cách dạy, không chỉ dạy các em kiến thức mà còn
dạy các em cách làm người, lối cư xử đúng đắn trong cuộc sống.
Vài lời chia sẻ cùng gia sư. |
|