Cười chảy nước mắt chuyện dạy tiếng Việt cho Tây

Cười chảy nước mắt chuyện dạy tiếng Việt cho Tây

                            Sách dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc.


Dù dạy nhiều lần nhưng cậu học trò người Mỹ của Mai Thi ở Hà Nội vẫn không phân biệt nổi 2 cụm "Mẹ con chị ấy" và "Con mẹ chị ấy"

Trước khi nhận lời dạy tiếng Việt cho anh bạn người Hàn, Mai Thi đã nghe bạn nhắc: "Khoai lắm đấy, không dễ đâu". Ban đầu, cô nàng sinh viên năm thứ hai Đại học Hà Nội nghĩ đơn giản chỉ là trao đổi những câu chuyện vui đời sống nên sẽ rất nhanh tiếp thu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, Mai Thi mới thấy "phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Cô tâm sự ngôi thứ ở Việt Nam nhiều không kể xiết. Trong tiếng Anh chỉ có "I, you". Trong tiếng Việt thì nào là ba, bố, mẹ, bà, anh, chị, em, cô, chú, bác, dì, dượng. Cố gắng lắm, học trò mới nhớ nổi vài ngôi thứ nhưng sang ngày tiếp theo lại quên và nhầm lẫn lung tung.

"Giải thích bằng tiếng Anh mãi không hiểu, tôi chuyển sang khua tay múa chân ý bảo hai câu: 'Mẹ con chị ấy' và 'Con mẹ chị ấy' mang ý nghĩa rất khác nhau. Một câu nói đơn thuần, một câu mang nghĩa không tốt. Học trò nghe xong gật đầu lia lịa tâm đắc, vài phút sau hỏi lại vẫn nhầm lẫn vì không nhớ cách xưng hô", Mai Chi cho biết.

Đồng cảnh ngộ với Mai Chi, bạn Tiến Đạt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kể trước khi làm gia sư tiếng Việt cho một cậu người Mỹ, cũng hào hứng, hạ quyết tâm. Thậm chí, ngày nghỉ, Đạt còn ở nhà chuẩn bị tài liệu cẩn thận vì thấy học trò chí thú học hành. Nhưng khổ nỗi anh bạn nước ngoài của Đạt không có năng khiếu ngoại ngữ, học mãi vẫn bằng không.

"Dạy được vài buổi, tôi ngán đến tận cổ vì như ăn khoai sống. Nói nửa câu chả nên lời, sửa phát âm mãi mới được một vài từ hôm sau lại đâu đóng đấy. Không hiểu nó đọc ở đâu, cứ luôn mồm hỏi: 'Chái lọa là món gì'. Nghe đến 10 lần, tôi cũng không hiểu". Sau, học trò giở ngôn ngữ cơ thể, kết hợp tiếng Anh giải thích: "Món thịt băm, cho vào cái ống, hay ăn dịp Tết". Lúc này Đạt mới vỡ lẽ hóa ra "chái lọa" là "giò lụa".

Bất lực với khả năng sư phạm, Tiến Đạt bỏ hết giáo trình, thay vào đó rủ em họ ra Tạ Hiền uống bia rồi dạy những từ gần gũi nhất: "Ngôi thứ, giọng điệu dạy mãi không hiểu, vậy mà nó phát âm từ 'bia ngon' tròn vành thế', Đạt tủm tỉm nói.

Dù công việc gia sư cho Tây không đơn giản nhưng nó mang lại niềm vui, hiểu biết, đặc biệt khả năng nâng cao ngoại ngữ cho rất nhiều bạn trẻ. Tuấn Anh ở Đà Nẵng nhận xét người nước ngoài rất hào hứng và có thái độ cầu thị trong khi học. Đó là điều mà các giáo viên không chuyên như bạn tâm đắc.

Tuấn Anh chia sẻ mới đầu dạy gia sư tiếng Việt chỉ cho vui và kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau gặp hai bác người Pháp nghiêm chỉnh, chịu khó học, đồng thời lại trả công khá cao nên bạn bỏ thời gian nghiên cứu một vài phương pháp sẵn có và lập giáo trình nhỏ phù hợp với học trò. Theo Tuấn Anh, đối với người nước ngoài, học Tiếng Việt khó nhất là phần nghe nói do có nhiều dấu.

Hai người Pháp Tuấn Anh dạy đều biết khá nhiều từ vựng, làm bài tập ngữ pháp cũng tốt nhưng khi thực hành nghe nói lại rất chậm. Có người đã đến Việt Nam nhiều lần, nhưng nói tiếng Việt không ai hiểu. Bác tâm sự với Tuấn Anh do nói mãi không ăn thua, ông phải giở giấy bút ghi cho người đọc, lúc đó mới hiểu nhau.

"Tuy phần phát âm hơi nhàm chán nhưng mỗi buổi học tôi dành khá nhiều thời gian để dạy họ cách phát âm sao cho đúng, rõ ràng từng dấu. Sau đó là chữa bài tập, học một đoạn hội thoại hoặc đoạn văn ngắn, giải thích từ vựng (ý nghĩa của từ, ví dụ cách áp dụng, gốc của từ, cách kết hợp nhiều từ đơn thành một từ ghép mới giàu hình tượng phong phú...)", anh chàng sinh viên năm cuối cho biết thêm.

Cũng tâm huyết với nghề tay trái giống Tuấn Anh, Quang Dũng, sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết còn nghĩ ra chiêu độc giúp học trò ngoại quốc hiểu nghĩa tiếng Việt. Theo đó, với ai, lần đầu tiên, Dũng cũngdạy phát âm bảng 29 chữ cái tiếng Việt.

Dũng cho biết người học nhất là đến từ Mỹ, Mexico hoàn toàn không phân biệt được chữ A, Ă và Â. Dũng chỉ cách nâng tông giọng nhưng không ai làm được. Anh chàng hướng dẫn xong lại hỏi: "Có phân biệt được không", học trò vẫn nhất loạt lắc đầu. Sau Dũng đố mẹo: "Nếu bị cấu, bạn la thế nào", cả lớp cười đáp: "Á Á". Thầy giáo hoan hô nói: "Đúng rồi đó là chữ Ă của Việt Nam". Cách dạy độc đáo đã mang lại cho lớp học của Dũng nhiều tiếng cười sảng khoải.

Nhờ nghiêm túc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Dũng cũng thu lại được cho mình nhiều kiến thức, đặc biệt ngoại ngữ tốt hơn xưa rất nhiều. Giờ không những nghe nói tốt, anh chàng còn biết cách diễn tả hoa mỹ từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Linh Hân

Gia sư - học viên

Lớp cần gia sư

Thông tin cần biết

Club Tiếng trung Hoa Văn

Báo giá dịch thuật

Bảng tin

Câu chuyện giáo dục

Du học

Tài Liệu Tiếng Trung

Chuyên đề thi cử

Liên kết gia sư Hoa Văn

Hỗ trợ trực tuyến

Thống kê truy cập