Chắc chắn các bạn bước đầu làm quen với tiếng Trung sẽ không khỏi bỡ ngỡ và băn khoăn về việc không biết nên chọn loại chữ nào để tập viết. Mình cũng không phải ngoại lệ và cũng đã từng băn khoăn như thế nên rất thông cảm với các bạn. Sau đây là đề xuất của cá nhân dựa trên kinh nghiệm học tập của bản thân:
1. Chữ phồn thể 繁體字, chữ chính
thể 正體字, chữ truyền thống
(Traditional Chinese Characters): Là loại chữ hiện đang được sử dụng phổ biến ở
Đài Loan, Hồng Công và Ma Cao. Nếu bạn muốn làm việc cho 1 công ty của Đài
Loan, Hồng Công hay chuẩn bị đến Đài Loan, Hồng Công học tập hay sinh sống lâu
dài thì chắc chắn là bạn phải tập viết chữ phồn thể thôi (với Hồng Công thì bạn
còn nên học thêm cả tiếng Quảng 廣州話 Cantonese
nữa) . Bạn không cần phải đọc tiếp mục số 2 dưới đây.
2. Chữ giản thể 简体字(Simplified
Chinese Characters) là loại chữ hiện đang được sử dụng chính thức ở Trung Quốc
đại lục, Singapore và là loại ký tự được sử dụng nhiều nhất trong các tài liệu
giảng dạy tiếng Phổ thông Trung Quốc中国普通话cho người nước ngoài (bạn có thể nhận thấy hầu như toàn bộ tài liệu học
tập và giảng dạy cũng như tài liệu tham khảo ở diễn đàn này đều được in bằng
chữ giản thể). Nếu bạn là người Việt, hoặc người phương Tây lần đầu học tiếng
Trung thì bạn nên học viết chữ giản thể. Vì sao? Đơn giản là vì nó ít nét và dễ
nhớ, dễ viết hơn chữ phồn thể. Đối với người nước ngoài bắt đầu học tiếng Trung
(nhất là người phương Tây) thì họ phải đối đầu với những khó khăn sau: chữ viết
tượng hình (không phải loại chữ viết ký âm), tiếng Trung là ngôn ngữ đơn âm
(không phải đa âm), hệ thống thanh mẫu, vận mẫu và đặc biệt là thanh điệu khá
phức tạp. Vậy nên nếu phải tiếp cận ngay với chữ phồn thể thì mình dám chắc hết
90% số người học sẽ bỏ cuộc giữa chừng vì tiếng Trung quá khó. 10% còn lại là những
người có tình yêu nồng nàn với Hán ngữ và ít nhiều phải có một nền tảng văn hóa
Á Đông đủ để thấu hiểu được cái tinh túy, thâm nho trong từng con chữ. Đối với
một người học tiếng Trung với mục đích chỉ để giao tiếp nghe, nói, đọc, viết
bình thường thì việc ngay từ đầu luyện khả năng cảm thụ cái đẹp và tinh hoa của
văn hóa phương Đông là quá xa xỉ và trên thực tế là bất khả thi.
3. Đối với người Việt học Hán ngữ, chúng ta cũng có những thuận lợi và
khó khăn riêng: Thuận lợi là chúng ta có lối tư duy Á Đông, sống trong bầu
không khí văn hóa Á Đông từ bé và chúng ta có một lượng từ Hán Việt khá lớn
(đây là những yếu tố khách quan). Chúng ta không gặp khó khăn về khía cạnh đơn
âm và thanh điệu vì tiếng Việt cũng đơn âm và số thanh điệu thì còn nhiều hơn
cả tiếng Hán. Khó khăn, theo ý kiến chủ quan, lại đến từ một trong những thuận
lợi của chúng ta đó là từ Hán Việt. Người phương Tây khi học tiếng Trung không
cần phải quan tâm đến từ Hán Việt. Ví dụ: 三本书sānběnshū tam bản thư = ba cuốn sách. Họ không cần
biết tam bản thư là cái gì (bớt được 1 cái phải nhớ rồi) họ chỉ cần nhớ三本书 sānběnshū = three books (nếu là người Anh/Mỹ)
-> khi sử dụng tiếng Trung người phương Tây sử dụng rất chuẩn vì không bị
chi phối bởi âm Hán Việt mà mình sẽ đề cập ngay sau đây. Từ Hán Việt là yếu tố
thuận lợi cho người Việt khi học tiếng Trung vì ta sẽ dễ hiểu nghĩa của từ mới
và dễ tư duy và thành lập từ ngữ hơn nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi khi ta gặp
phải những từ Hán Việt đã bị “bản địa hóa” do đó nghĩa của chúng đã sai lệch
rất nhiều so với nghĩa ban đầu (ví dụ: khốn nạn 困难, tử tế 仔细 … ) nếu ta
sử dụng chúng trong bối cảnh thuần Hán sẽ khiến đối phương hiểu sai hay không
hiểu điều ta muốn nói. Do đó cần phải rất thận trọng khi ta đưa 1 từ Hán Việt
mà mình biết trước đây vào bảng từ vựng tiếng Trung của bản thân. Học thuộc tất
cả các âm Hán Việt, hiểu và sử dụng đúng từ Hán Việt trong bối cảnh thuần Hán
là cũng đã đủ hụt hơi rồi. Do vậy theo mình giai đoạn đầu chúng ta cứ tập trung
vào học viết chữ giản thể cho quen với mặt chữ và thứ tự nét bút để không rơi
vào tình trạng “viết chữ trái cựa” (viết chữ Hán sai trình tự trước sau của nét
bút) hay thuộc mặt chữ, hiểu chữ nhưng cầm bút lên thì lại quên mất cách viết
chữ đấy như thế nào. Giai đoạn tiếp theo, nếu có hứng thú và cảm thấy mình không
ngán học chữ Hán lắm, học chữ nào nhớ luôn chữ ấy thì bạn có thể đèo bòng thêm
chữ phồn thể (bằng cách cứ mỗi khi học được tự/từ mới bạn mở ngoặc ra viết thêm
phồn thể của tự/từ đó-nếu có, giống như cách cuốn Tân Hoa Tự Điển 新华字典 đã làm). Mục đích của cách làm này là viết tốt
giản thể-đọc tốt phồn thể. Chỉ đến khi nào bạn cảm thấy mình đã thật thoải mái
trong việc học và vẫn còn hứng thú với chữ phồn thể thì bạn mới nên tiến tới
tập viết cả giản thể lẫn phồn thể. Chứ ngay từ đầu mà ôm cả 2 là dễ bị “tẩu hỏa
nhập ma” lắm đấy.
Mục đích của tác giả khi viết bài này không phải là ủng hộ hay tẩy chay
loại chữ viết nào. Mỗi loại chữ đều có ưu nhược điểm riêng. Cái gì cũng có 2
mặt của nó, không có gì tốt hết và cũng không có gì xấu hết 阴阳相互. Mình không thích thái độ cực đoan trong mọi vấn
đề. Có thể tóm tắt ưu điểm, nhược điểm của 2 loại chữ này như sau:
Chữ giản thể: Dễ học, dễ nhớ khi mới bắt đầu học. Thuận tiện trong in ấn
(nhất là in ở kích cỡ nhỏ, chữ phồn thể phải lấy kính lúp ra mới đọc được/in
không khéo thì nó thành một cục mực), khi đọc trên màn hình PC, laptop, sách
báo thì đỡ bị hoa mắt, mỏi mắt. Khi viết tay thì tốc độ viết chữ giản thể sẽ
nhanh hơn nhiều khi so với viết chữ phồn thể. Nhược điểm là: xấu, giảm/thậm chí
mất ý nghĩa tượng hình. Không thể viết thư pháp bằng chữ giản thể được, rất
phản cảm. Và với chữ giản thể ta không thể chiết tự 折字(bình chữ) được.
Chữ phồn thể: Rất đẹp, tinh hoa của văn minh Trung Hoa, đối tượng thể
hiện của nghệ thuật thư pháp. Học chữ phồn thể ngoài việc học thuộc hình của
chữ còn học được cả cái ý nghĩa thâm sâu và cái đạo mà người xưa truyền lại,
tất cả nằm ở con chữ. Chữ phồn thể rất khó học, nhưng một khi đã học thuộc rồi
thì nhớ rất sâu, rất lâu do bởi những điều tác giả vừa trình bày. Nhược điểm
lớn nhất của chữ phồn thể chính là những ưu điểm của chữ giản thể.
Như vậy theo ý kiến cá nhân thì cả 2 loại chữ viết này đều rất hữu dụng
và xứng đáng tồn tại song song với nhau. Vấn đề là ta sử dụng chúng đúng nơi,
đúng chỗ tùy theo từng mục đích và bối cảnh khác nhau.
Đôi lời trao đổi với các bạn chuẩn bị hay vừa mới bắt đầu học tiếng Hán.
Thân ái.