Lực học của con, bản thân con hiểu rõ. Con bày tỏ: “Con muốn học một trường cao đẳng nghề, vừa nhanh ra trường lại dễ xin việc làm. Chứ lực học của con vào đại học cũng chưa chắc giúp con có một chỗ đứng sau khi nhận bằng”. Mẹ la lớn: “Vào được đại học là mơ ước của khối đứa đấy con ạ. Sướng không biết đường sướng hả con?”.
Có lẽ thời gian nộp hồ sơ rồi rút ra quả là một khoảng thời gian khủng khiếp của hai mẹ con. Mẹ chỉ định nộp vào trường nào thì con buộc phải nộp vào trường ấy, mặc dù khả năng đỗ không cao và còn vì con thấy mình không hợp với những ngành nghề đó.
Mẹ thường nói: “Cứ bảo đại học thất nghiệp, thạc sĩ bán trà đá mà sao mỗi năm người ta vẫn ùn ùn kéo vào đấy thôi”. Rồi mẹ chê con trẻ người non dạ, lạc hậu, không biết nhìn xa trông rộng, không biết định hướng tương lai. Mẹ cho rằng nếu không đỗ đại học thì con sẽ đánh mất tương lai. Mẹ mặc định con đường cho con đi, nhìn bên ngoài thì long lanh, đúng hướng. Nhưng bản thân con biết mình đang lạc đường mất rồi.
Những bộ hồ sơ nộp vào, rút ra kéo theo những nỗi buồn, nỗi lo lắng, có lúc con thấy mình như con cá đang mắc câu chẳng thể thoát ra được. “Tấm lưới” đại học mẹ “thả”, con cứ vùng vẫy mãi trong đó. Rồi con cũng vào được một trường đại học dân lập, mẹ hả hê lắm. Cái đích của mẹ là ở đấy, mặc kệ năng lực của con, mặc kệ chuyện con có thích, có hợp với ngành nghề ấy hay không.
Cảm giác hụt hẫng khi mẹ không hiểu cứ cuốn lấy con, khiến con thấy cô đơn, lạc điệu với chính đường đi của mình. Mẹ cho rằng con của bạn bè, đồng nghiệp đỗ đại học mà con mình vào học trường nghề là điều khó chấp nhận. Không như nhiều bạn trẻ khác được lựa chọn con đường đi, con cứ như con quạ khát nước.
Sau gần một năm đặt chân vào giảng đường đại học, con thấy thật sự mình bị hẫng chân. Cô giáo chủ nhiệm cấp III khuyên con hãy làm lại vì con còn trẻ. Nhưng con biết phải làm sao để mẹ đồng ý với quyết định của con, đồng ý để con được tự “tháo cũi sổ lồng”?
Con biết làm sao hả mẹ?
Linh
Nguồn từ Tuổi Trẻ online